Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 Search

Trao đổi về hệ thống giáo dục đại học Hàn Quốc

GS. Lyu Jae Hyun và các giảng viên ĐHKT tại buổi seminar
Tiếp nối chuỗi seminar của GS. Lyu Jae Hyun - chuyên gia Tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, ngày 7/12/2015, Giáo sư đã có buổi trao đổi về chủ đề “Hệ thống giáo dục đại học ở Hàn Quốc”.

Hàn Quốc được biết đến không chỉ là một quốc gia thành công về kinh tế, công nghệ với những tập đoàn lớn và thương hiệu quốc tế danh tiếng mà quốc gia này còn có nhiều trường đại học, cả công và tư rất nổi tiếng như Đại học quốc gia Seoul, KAIST, Đại học Hàn Quốc, Đại học Yonsei, Đại học Sungkyunkwan… Chia sẻ tại seminar, GS. Lyu cho biết, hệ thống giáo dục của Hàn Quốc phát triển từng thời kỳ gắn liền với công cuộc phát triển và hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hệ thống giáo dục đại học đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế tri thức ở quốc gia này. Để nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo, chính phủ Hàn Quốc đã có những chương trình đầu tư lớn với mục tiêu nhiều trường đại học của Hàn Quốc lọp vào top 200 thế giới và có năng lực nghiên cứu tốt. Với Chương trình “ Brain Korea” được đề ra cho các thời kỳ tư 1999-2005, 2006-2012 và 2013-2019, Chính phủ Hàn Quốc mong muốn có nhiều trường đại học lọt vào top cao hơn. Các chương trình này hướng tới các dự án đầu tư với một trong những mục tiêu quan trọng là gia tăng số công bố quốc tế nằm trong danh mục ISI (SCI, SCIE, SSCI và AHCI). Có công bố quốc tế trong các tạp chí hàng đầu và trong danh mục ISI được coi là tiêu chuẩn bắt buộc và quan trọng nhất trong bổ nhiệm các chức danh giáo sư và phó giáo sư ở Hàn Quốc. Phần lớn (80%) các trường đại học ở Hàn Quốc là các trường tư nhưng nhiều trường có chất lượng rất tốt và ngày càng phát triển, thậm chí có mặt trong top 200, 300 và 500 của thế giới theo bảng xếp hạng của QS năm 2013. Do chính sách khuyến khích và nới lỏng việc thành lập mới các trường đại học nên số trường đại học đã tăng lên đáng kể trong các thập kỷ qua ở Hàn Quốc. Điều đó đã góp phần gia tăng đáng kể tỷ lệ nhập học và tốt nghiệp đại học của quốc gia này cao nhất trong nhóm OECD. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do khủng hoảng kinh tế và số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học gia tăng mạnh đã dẫn tới gia tăng đáng kể tỷ lệ thất nghiệp của lao động có bằng đại học. Do vậy, chính phủ đã có chính sách phân loại chất lượng các trường theo đánh giá nội bộ và đánh giá bên ngoài, sau đó xếp hạng từ A, B, C, D và E và cắt giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường có mức đánh giá thấp hơn. Các trường đại học ở Hàn Quốc phải cạnh tranh trong việc thu hút nguồn lực và thu hút sinh viên, và do vậy đã luôn nâng cao được chất lượng và thứ hạng trong bảng xếp hạng đại học toàn cầu trong các năm gần đây. Tại seminar, các giảng viên cũng đã có những trao đổi cùng GS. Lyu về những thông tin thú vị mà Giáo sư cung cấp.
GS. Lyu (thứ tư từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, giảng viên Trường ĐHKT
Nhân đây, PGS.TS Phạm Văn Dũng - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị đã cảm ơn GS. Lyu vì sự cộng tác tích cực, thân thiện và hiệu quả với Khoa Kinh tế Chính trị nói riêng, Trường Đại học Kinh tế nói chung tại các buổi nói chuyện chuyên đề thời gian qua. Ngoài ra, những cuốn sách mới về kinh tế chính trị thế giới được Giáo sư tặng sẽ là những tài liệu quý báu cho Khoa trong việc nghiên cứu và giảng dạy sau này.

Trần Quang Tuyến (Khoa KTCT) - Đỗ Chiêm( ảnh)

FullName Email
Address Security code LMXLQV
Content